Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
2
7
6
7

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
tổ chức biên chế 22/11/2024

Chung sức giữ vững biên cương


Bảo vệ vững chắc vùng biên không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Nhận thức đó đã được chính quyền, người dân khu vực biên giới tỉnh hưởng ứng và tích cực tham gia, góp phần chung sức giữ vững biên cương của Tổ quốc góp phần bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn.

Những ngày cuối tháng 2, những nương rẫy cà phê sát biên giới của bà con xã Thuận An (Đắk Mil) đã nở hoa trắng xóa. Thấp thoáng trong rừng hoa ấy là những người lính áo xanh đang giúp dân tưới nước cho cà phê. Đây là chuyện thường thấy của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Song khi đi tuần tra trên địa phận biên giới do mình quản lý.

Ông Ma Tuynh, Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên mốc giới số 2 phấn khởi nói: "Gia đình nào canh tác trên đoạn biên giới do đồn quản lý cũng đều được bộ đội giúp đỡ từ việc làm cỏ, tưới nước, đến thu hoạch… Từ những việc làm, lời nói của bộ đội, mình đã hiểu rõ hơn trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, bảo vệ biên giới, cột mốc. Mình cũng thường xuyên vận động bà con trong bon khi lên biên giới phải tuân thủ các quy định của Nhà nước".

Đồn biên phòng Đắk Song được giao nhiệm vụ quản lý hơn 10 km đường biên giới và 6 cột mốc phụ giáp với nước bạn Campuchia và đảm nhiệm 14 thôn của xã Thuận Hạnh (Đắk Song) cùng hơn 300 hộ đồng bào của các bon Sar Pa, Bu Đắk (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) có rẫy sản xuất trong khu vực biên giới. Xác định bảo vệ vững chắc vùng biên không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng mà còn là trách nhiệm của toàn dân, đơn vị đã đặc biệt quan tâm, chú trọng làm tốt công tác tham mưu và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ trị an thôn, bon.

Đang tất bật với việc tưới nước cho rẫy cà phê nhưng khi nghe tiếng xe máy chạy vào khu vực cột mốc biên giới số 49 do Đồn biên phòng Đắk Lao đứng chân trên địa bàn xã Đắk Lao quản lý, ông Trần Văn Toàn, ở thôn Đức Hòa, xã Thuận An-người có rẫy canh tác gần cột mốc đã tạm ngừng công việc chạy tới.

Ông Toàn cho biết: "Cột mốc biên giới là tài sản quốc gia, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Vì vậy, đã thành thói quen rồi, cứ nghe tiếng xe máy hay phát hiện đối tượng lạ vào khu vực biên giới và cột mốc là tôi liền có mặt. Nếu là người quen thì chào, hỏi thăm nhau, còn là người lạ mặt thì hỏi han và tìm cách báo cho bộ đội biên phòng biết".

Đồn biên phòng Thuận An phối hợp cùng với Hội phụ nữ, dân quân xã Thuận An (Đắk Mil) tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới

Theo anh Phạm Văn Nghĩa, có rẫy canh tác gần khu vực cột mốc số 49, từ ngày tham gia Tổ tự quản đường biên cột mốc, các thành viên luôn tích cực, đồng lòng tuần tra, cảnh giác, bảo vệ đường biên, mốc giới. Qua tuần tra, cũng như trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày tại nương rẫy, các thành viên luôn để ý đến các dấu hiệu đường biên, cột mốc, nếu phát hiện những sự việc bất thường là lập tức báo với chính quyền và lực lượng biên phòng để có cách xử lý. Các thành viên và bà con còn thường xuyên cùng bộ đội biên phòng dọn dẹp, phát quang cỏ cây, vệ sinh xung quanh để cột mốc biên giới khi nào cũng sạch sẽ, nghiêm trang, uy nghi, thể hiện tinh thần, cốt cách dân tộc nơi biên cương, bờ cõi của Tổ quốc.

Đồn biên phòng Đắk Tiên đứng chân trên địa bàn xã Thuận Hà (Đắk Song) quản lý 9,5 km đường biên với 4 cột mốc và 6 cọc dấu thuộc địa bàn xã Thuận Hạnh và xã Thuận Hà (Đắk Song). Để huy động sức mạnh của người dân trong bảo vệ đường biên cột mốc, đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng các nội dung phối hợp; trong đó đã thành lập tổ tự quản đường biên, cột mốc để tăng cường tuần tra.

Ông Trần Bá Tuyết, ở thôn 8, xã Thuận Hà-thành viên Tổ tự quản đường biên cột mốc chia sẻ: "Với người dân chúng tôi, đường biên giới và cột mốc số 53 rất thiêng liêng vì nó khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Do đó, chúng tôi luôn có trách nhiệm phối hợp với lực lượng biên phòng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức cũng như tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn chủ quyền đường biên, cột mốc".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thuận An và các thành viên Tổ tự quản đường biên cột mốc trao đổi, nắm bắt tình hình khu vực biên giới

Tại xã Thuận An (Đắk Mil), với vai trò là Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên cột mốc bon Bu Đắk, ông Y Choi và các thành viên trong tổ thường xuyên tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An thực hiện các buổi tuần tra theo định kỳ, cũng như vận động, tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn hiểu rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới, phòng, chống các loại tội phạm biên giới.

Ông Y Choi chia sẻ: "Qua công tác tuyên truyền, người dân trên địa bàn đã hiểu được trách nhiệm và có rất nhiều hộ gia đình đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Bà con trong bon đã ý thức được trách nhiệm của mình, đồng thời nắm rõ vị trí, lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc nên luôn theo dõi và phát hiện sớm các vụ việc liên quan đến tình hình an ninh biên giới để báo cho chính quyền và đồn biên phòng biết, kịp thời có biện pháp xử lý.

 

Cùng với công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa của "Ngày Biên phòng toàn dân", đến nay trên khu vực biên giới tỉnh đã xây dựng được 85 tổ, 9 tập thể tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon, bản; 27 tổ, 6 tập thể tự quản đường biên cột mốc.

 

Theo Đại tá Phan Quý Vỹ, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, việc tổ chức cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã góp phần xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.