Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
2
7
6
7

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Tin nổi bật 09/12/2019

Chào mừng 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân ( 22/12/1989-22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam


Chào mừng 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân ( 22/12/1989-22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

 

 1. Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam 75 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng

     a) QĐND Việt Nam ra đời, cùng toàn dân tộc tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

     Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ. Đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng; đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.

     Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra quân diệt gọn 2 đồn Phai Khắt (25/12), Nà Ngần (26/12). Chiến công nối tiếp chiến công; dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng các đơn vị Cứu quốc quân, các đội du kích phát triển thành Việt Nam giải phóng quân (15/5/1945), cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, Đội được đổi tên thành Vệ Quốc quân; năm 1946, đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam; năm 1950, đổi tên thành QĐND Việt Nam.

     Trải qua chín năm kháng chiến (1945-1954), quân đội ta đã quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã lập nên những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

      b) QĐND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) 

     Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng, quân đội ta bước vào xây dựng kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955-1960), từ lực lượng chủ yếu là bộ binh, đã trở thành quân đội chính quy, gồm Lục quân, Hải quân, Phòng không-Không quân; 5 năm lần thứ hai (1961-1965), quân đội ta đã nâng cao một bước rõ rệt sức mạnh chiến đấu. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân đội ta đã cùng toàn dân đánh bại các chiến lược của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thế kỷ XX.

      c) QĐND Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ)Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - 2019)

      Trong giai đoạn cách mạng mới quân đội tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh. Cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tham mưu với Đảng và Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội. Duy trì và thực hiện tốt sẵn sàng chiến đấu; kiên quyết đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

     d) Truyền thống chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của QĐND Việt Nam

     Qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta đã xây đắp nên truyền thống: Trung thành vô hạn với Tổ quốc VNXHCN, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng; gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí; đoàn kết nội bộ, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng thống nhất ý chí và hành động; kỷ luật tự giác, nghiêm minh; độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công; lối sống trong sạch, lành mạnh, có văn hóa, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan; luôn luôn nêu cao tinh thần ham học, cầu tiến bộ, nhạy cảm, tinh tế trong cuộc sống; đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình.

       2. 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân

      Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội Quốc phòng toàn dân. 30 năm thực hiện Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng sau:

      Một là, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVTQ của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.

     Hai là, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Ba là, sức mạnh BVTQ được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn và loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh và các tình huống xâm phạm an ninh quốc gia, nếu xảy ra.

    Bốn là, hình thành thế chiến lược BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân BVTQ được triển khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc.

    Năm là, lực lượng vũ trang (LLVT) mà nòng cốt là QĐND có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    3. Phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới

    a) Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

    Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW8 (khóa XI) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Tập trung xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW4 (khóa XII) gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường tiềm lực chính trị, tư tưởng; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

     b) Xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

     Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng QĐND Việt Nam. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND Việt Nam. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp trong quân đội vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho các đối tượng. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, có năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn, có quan hệ chặt chẽ với nhân dân. Tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách quân đội và hậu phương quân đội.

     4. LLVT tỉnh Quảng Bình ra đời, cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, xây dựng và bảo vệ tổ quốc

     - Ngày 4/7/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập tại trại sản xuất An Sinh, xã Trường Thủy (nay là xã Văn Thủy, Lệ Thủy), hội nghị quyết định thống nhất lực lượng Việt Minh trong tỉnh. Đây là lực lượng quan trọng góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân Quảng Bình trong khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 26/8/1998, Tư lệnh Quân khu 4 ký Quyết định công nhận ngày 4/7/1945 là ngày thành lập LLVT tỉnh.

     - Trong kháng chiến chống Pháp, bằng lối đánh mưu trí, sáng tạo, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, LLVT tỉnh cùng nhân dân đã đánh hơn 6000 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10.000 tên địch, lập nên những chiến công hiển hách, cùng với nhân dân trong tỉnh làm nên Quảng Bình “Quật khởi”, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của LLVT tỉnh.

     - Những năm chống Mỹ cứu nước, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình trở thành hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn của cả nước, LLVT tỉnh đã kiên trì bám trụ chiến đấu, bắn rơi 704 máy bay các loại, bắn chìm, bắn cháy 86 tàu chiến Mỹ; tiêu diệt hơn 7.000 tên Mỹ - ngụy và hàng trăm xe tăng, xe bọc thép; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn; vượt lên mọi gian khổ, hy sinh cùng với nhân dân trong tỉnh đã làm nên Quảng Bình “Hai giỏi", được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân" ngày 30/10/1978.

     - Bước sang thời kỳ mới, LLVT tỉnh tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những thành tích đó, ngày 29/7/2015, Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân" lần thứ 2.