Liên kết Website

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
1
2
7
6
7

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
2
Tin trong ngành nội vụ 13/10/2021

KẾT QUẢ 03 NĂM THI HÀNH LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG


Tỉnh Đắk Nông hiện có 03 tôn giáo có số lượng tín đồ đông đang hoạt động là Công giáo, Tin Lành và Phật giáo, tổng số tín đồ khoảng 269.224 người (chiếm 42,2% dân số của tỉnh; 153 cơ sở tôn giáo; 300 chức sắc; 185 nữ tu, tu sỹ; 979 chức việc.

Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, thực hiện Quyết định số  306/QĐ-TTg, ngày 08/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1090/QĐ-BNV ngày 29/3/2017 của Bộ Nội vụ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo. UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Qua 03 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đạt được một số kết quả sau:

Về công tác thể chế: Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văm bản chỉ đạo, điều hành về công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh: Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về công tác tôn giáo; Kế hoạch số 96-KH/TU ngày 29/11/2018, về tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay” trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: Chương trình hành động số 6934/CTHĐ-UBND ngày 06/12/2017, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về công tác tôn giáo; Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND ngày 22/5/2018, về việc quy định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; (03) Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 18/10/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (04) Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 về việc công bố bộ thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Nội vụ và một số văn bản điều hành về công tác tôn giáo.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Sau 03 năm triển khai thực hiện, các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh và huyện đã tổ chức được 49 lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị phổ biến pháp luật cho hơn 5.356 lượt cán bộ, công chức và chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo; phát hơn 5.356 bộ tài liệu cho các đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được thực hiện thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, tạp chí, thông qua gặp mặt, phát động quần chúng, nói chuyện chuyên đề…vì vậy các chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã được tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo cán bộ, công chức và chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo.

 

Đ/c Cao Huy – PCT UBND tỉnh phát biểu khai mạc tại Hội nghị triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức năm 2018

Về công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo:

Về hoạt động tín ngưỡng: Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn các điểm sinh hoạt tín ngưỡng thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; đồng thời hướng dẫn cơ sở tín ngưỡng hoạt động theo quy định của pháp luật, phù hợp với truyền văn hóa thống tốt đẹp của dân tộc, ngăn ngừa các hoạt động mê tín dị đoan và lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Công tác cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: Trong 03 năm qua, UBND cấp xã đã thực hiện cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 63 điểm sinh hoạt (Phật giáo 12 điểm, Công giáo 13 điểm, Tin lành 38 điểm).

Thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc: Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chấp thuận các tổ chức tôn giáo chia, tách, thành lập 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc (Công giáo 05; Tin lành 04; Phật giáo 02); công nhận 01 cơ sở tôn giáo; 02 trường hợp (đạo Phật giáo) thay đổi tên tổ chức tôn giáo trực thuộc; 01 trường hợp (đạo Tin Lành) thay đổi trụ sở tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Về phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, chức sắc, chức việc tôn giáo: Sở Nội vụ tiếp nhận 35 trường hợp thông báo phong chức, phong phẩm (Phật giáo 05, Tin Lành 30); thuyên chuyển 74 chức sắc, nhà tu hành (Phật giáo 17, Công giáo 53, Tin Lành 04); bổ nhiệm 65 chức việc (Phật giáo 12, Công giáo 34, Tin Lành 19).

Về hoạt động tôn giáo: Chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo mở 04 lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo cho 347 lượt chức sắc, 06 khóa tu ngắn ngày cho hơn 2.500 tín đồ; 01 lớp Thánh kinh căn bản cho 1.500 tín đồ trên địa bàn tỉnh; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tổ chức các Đại hội kiện toàn tổ chức; tổ chức các hoạt động tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo như: lễ Noel, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin Lành; lễ Phật đản, lễ Vu lan báo hiếu, An cư kiết hạ của Phật giáo.

 

Đ/c Hồ Văn Mười - Chủ tich UBND tỉnh thăm, chúc mừng
Lễ Vu lan báo hiếu năm 2021 tại Chùa Pháp Hoa, thành phố Gia Nghĩa

Về đất đai, xây dựng công trình tôn giáo: UBND tỉnh đã thực hiện giao đất cho 14 cơ sở (Phật giáo 03, Công giáo 04, Tin Lành 07) nâng tổng số cơ sở tôn giáo được giao đất trên địa bàn tỉnh lên 142 cơ sở; cấp phép xây dựng mới 25 công trình tôn giáo (Phật giáo 07, Công giáo 13, Tin Lành 05).

Về công tác thanh tra, kiểm tra:  UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức được 02 đợt kiểm tra; Sở Nội vụ tổ chức 01 đợt thanh tra việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại các huyện, thành phố; UBND các huyện, thành phố tổ chức 24 đợt kiểm tra về việc thực hiện các quy đinh pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó đã phát hiện 18 trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó hướng dẫn các cấp, các ngành kịp thời phối hợp với chức sắc, người đứng đầu các tôn giáo để xử lý theo quy định.

Về hoạt động từ thiên, nhân đạo của các tổ chức tôn giáo: Các cấp, các ngành đã quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật. Trong 03 năm qua, các tổ chưc tôn giáo đã phối hợp với chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo như tổ chức bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, xây nhà tình thương, khoan giếng, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng quà cho người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, tặng cặp, sách cho học sinh, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19…với giá trị vật chất ước tính trên 05 tỷ đồng.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phối hợp với Phòng PA 02 – Công an tỉnh
vận chuyển nông sản hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Nhìn chung, sau 03 năm triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng; hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, ổn định; công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành đã thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ của tổ chức và quy định của pháp luật; động viên đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc quán triệt, triển khai Luật và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên; một số địa phương thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện một số nội dụng của Luật; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số địa phương còn hạn chế; vẫn còn một số hoạt động tôn giáo chưa tuân thủ quy định pháp luật…Vì vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, yêu cầu các cấp, các ngành cần phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm cụ thể hóa tinh thần của Luật phù hợp với thực tiễn của tỉnh; tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng và nội dung Luật tín ngưỡng, tôn giáo đến đội ngũ cán bộ, công chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tham mưu giải quyết các nhu cầu tôn giáo chính đáng, tạo sự đồng thuận của giáo hội các tôn giáo; đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác tôn giáo trong tình hình mới./.

Lê Văn Tưởng

Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ